Tự Lập – Kỹ Năng Quan Trọng Giúp Con Chủ Động, Thành Công, Bản Lĩnh Trong Tương Lai

Trong thế giới hiện đại đầy thách thức và cạnh tranh, tính tự lập là nền tảng quan trọng để hình thành nên sự độc lập và bản lĩnh cho con. Trong bài viết  này, MerryStar sẽ giúp bố mẹ hiểu hơn về tầm quan trọng của kỹ năng này và làm sao để bắt đầu giúp con xây dựng được sự tự lập ngay từ độ tuổi Mầm non.

Những em bé tự lập hôm nay sẽ trở nên độc lập, bản lĩnh hơn ở tương lai.

TỰ CHĂM SÓC BẢN THÂN – NỀN TẢNG CỦA SỰ TỰ LẬP Ở TRẺ

Tự chăm sóc bản thân ở trẻ em đề cập đến khả năng sẵn sàng tham gia vào các hoạt động hằng ngày như mặc quần áo, tự tắm, ăn uống, tự vệ sinh cá nhân… và có ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực tự đánh giá, sự tự tin vào bản thân của trẻ cũng như đánh dấu một bước quan trọng trong quá trình em bé bắt đầu hòa nhập vào môi trường xã hội. 

Người lớn thường sẽ hỗ trợ hoặc muốn làm thay con các hoạt động này. Tuy nhiên tính tự lập là một kỹ năng cần hình thành sớm, bởi nó còn liên quan đến khả năng hiểu được nhiệm vụ và biết cách lập kế hoạch thực hiện các hoạt động cơ bản trong đời sống hằng ngày của chính bản thân trẻ. Việc hình thành các kỹ năng tự chăm sóc sẽ giúp con biết cách giải quyết vấn đề, mở rộng hiểu biết của con về thế giới xung quanh, kích thích sự phát triển của các giác quan, lời nói, tăng cường kỹ năng vận động tinh (những hành động đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo), phát triển phối hợp tay – mắt, thực hành kỹ năng bắt chước hành động và làm theo hướng dẫn bằng lời, làm theo mẫu hoặc quan sát các hành động nhất định. 

Kỹ năng tự lập có liên quan đến khả năng hiểu nhiệm vụ, lập kế hoạch và giải quyết vấn đề ở trẻ trong tương lai.

KHI NÀO CON BẮT ĐẦU PHÁT TRIỂN TÍNH TỰ LẬP

Ở mỗi cột mốc phát triển khác nhau, con có những sự phát triển về thể chất và tính độc lập khác nhau. Mặc dù mỗi em bé có sự phát triển của riêng mình nhưng bố mẹ hoàn toàn có thể quan sát để hiểu và tạo điều kiện cho con phát triển tính độc lập này sớm nhất. 

Cụ thể, các mốc phát triển điển hình của một em bé thường diễn tiến như sau: 

  • 0 – 12 tháng: con ngồi được với sự giúp đỡ của người lớn, bắt đầu đứng vịn và chập chững những bước đi đầu tiên trong cuộc đời. Trong năm đầu tiên này , con phát triển chiều cao khoảng 1,5 lần và nặng gấp khoảng 3 lần khi mới sinh. Biết đứng và biết đi là một cột mốc vô cùng quan trọng đánh dấu năng lực tự do di chuyển và độc lập hơn ở trẻ. Con sẵn sàng khám phá thế giới rộng lớn, con mở rộng phạm vi giao tiếp, phát triển nhận thức, đi vịn, cho tay vào miệng, lăn bóng, có thể cầm các đồ vật nhỏ, tự bật tivi, mở cửa, chui xuống gầm bàn…Nhiều em bé 1 tuổi đã có thể cầm thìa xúc đồ ăn và uống nước bằng cốc. Dù còn rơi vãi, thao tác còn chưa hoàn thiện, nhưng đó là bước tiến quan trọng trong sự phát triển tính độc lập ở trẻ.

Từ 15 tháng, các em bé tại MerryStar đã có thể cầm thìa và xúc thức ăn.

  • Từ 12 tháng – 18 tháng: đến thời điểm này, con bắt đầu có thể tự đi, con bước lên cầu thang, nhún nhảy theo nhạc, trèo lên ghế, cầm thìa xúc ăn tốt hơn, lăn bóng với cả tay và chân, tự đút đồ ăn vào miệng thành thạo với ngón tay, biết cách đưa tay ra khi bố mẹ đeo balo hay mặc quần áo cho con. Nổi bật nhất là khoảng từ 15 tháng, nhiều em bé bắt đầu biết chơi với đồ vật theo đúng chức năng của chúng (cho búp bê ăn bằng thìa, mở cửa với chìa khoá…).
  • Từ 18 tháng – 24 tháng: trẻ em 18 tháng tuổi bắt đầu có ý thức rõ rệt về bản thân, con nhận ra mình trong gương. Từ 20 tháng, con đã có thể tự tưởng tượng ra một vật là vật gì đó (vd như: cây chổi làm ngựa, bàn tay làm gương soi, sàn nhà làm bể bơi…). Con cầm nắm đồ vật một cách chắc chắn, biết cách lăn bóng, nhặt các đồ vật trên sàn… Đây cũng là giai đoạn con có thể nói “không” với nhiều thứ con không thích – một biểu hiện nổi bật và đặc trưng khẳng định sự độc lập của mình. 

NHỮNG NGUYÊN TẮC VÀNG ĐỂ DẠY CON TỰ LẬP

Bố mẹ cần hiểu rõ: để con tự lập không có nghĩa là mặc con tự xử lý mọi việc mà không có sự hỗ trợ và chú ý của người lớn. Để con tự lập thực chất là một quá trình cho phép con an toàn để trải nghiệm và hình thành những kỹ năng cần thiết. Sự hỗ trợ, động viên của bố mẹ và người chăm sóc giúp củng cố niềm tin để con có thể tự làm trong khả năng của mình. Vì thế, bố mẹ nắm vững những nguyên tắc sau:

  • Khích lệ con: bất cứ khi nào con thử những kỹ năng mới, bố mẹ có thể truyền thêm cho con thật nhiều niềm tự tin và khích lệ dù con làm thành công hay không. Bình tĩnh và cổ vũ sẽ giúp con dám thử và dám làm. 
  • Kiên nhẫn: hành trình học trưởng thành của con còn rất dài, những kỹ năng tự lập thuở ấu thơ mới chỉ là nấc thang đầu tiên. Bởi vậy, mong rằng bố mẹ hãy kiên nhẫn, đừng sốt ruột mà làm hộ con. Những thìa thức ăn đầu tiên sẽ không tránh khỏi vương vãi ra sàn, cốc nước đầu tiên sẽ không tránh khỏi bị đổ, lần tự chải răng đầu tiên có thể đầy vụng về, lần tự mặc đồ đầu tiên có thể mất đến 20 phút. Sự nhẹ nhàng và chỉ bảo của bố mẹ sẽ giúp con dần dần tự tin, hình thành thói quen một cách chủ động, tự nhiên. 
  • Tạo môi trường cho con: bố mẹ có thể tạo điều kiện cho con thực hành sự tự lập ở nhà bằng cách: đặt các vật dụng cá nhân của con ở nơi thấp để con có thể tự lấy mà không gặp khó khăn, chọn những đồ dùng cá nhân theo màu sắc con yêu thích, và quan trọng nhất là khuyến khích con tự làm. 
  • Làm gương: bắt chước là một trong những phương pháp học tập quan trọng ở trẻ nhỏ và cả ở người lớn sau này. Nếu bố mẹ muốn con là những em bé tự lập, hãy thực hiện làm gương để con nhìn thấy và bắt chước theo. Ví dụ như: bỏ rác vào thùng, dọn đồ sau khi bày ra nhà, lau vết bẩn nếu không may làm dơ… Hãy vừa làm và vừa hướng dẫn, thuyết minh để con có thể quan sát và học cách thực hiện theo. 

Con sẽ bắt chước những thói quen tốt của người lớn, bố mẹ nhớ làm gương nhé!

MỘT SỐ KỸ NĂNG TỰ LẬP BỐ MẸ CÓ THỂ RÈN CHO CON NGAY TỪ 15 THÁNG

Bằng cách quan sát sự phát triển của con, bố mẹ sẽ nắm bắt được tốc độ phát triển của con, từ đó cho phép con bắt đầu thực hành những kỹ năng tự lập từ sớm. Sau đây là một số kỹ năng bố mẹ có thể rèn cho con ngay từ 15 tháng:

  • Tự rửa tay: từ khoảng 15 tháng, bố mẹ có thể dạy con những kiến thức khoa học về vệ sinh cá nhân để hình thành thói quen giữ gìn vệ sinh cho bản thân. Bé có thể hiểu: trước khi ăn hoặc sau khi chơi với động vật hoặc tay lấm bẩn sẽ cần đi rửa tay. Từ đó, con hình thành thói quen giữ vệ sinh cá nhân và bảo vệ bản thân khỏi các tác nhân gây bệnh. 

Từ 15 tháng, bố mẹ đã có thể hướng dẫn con cách tự rửa tay

  • Tự đánh răng: từ khoảng 16 tháng, con bắt đầu có thể tạo lập thói quen đánh răng ngày 2 lần (bởi thời điểm này con đã mọc răng sữa). Bố mẹ có thể giải thích cho con về lý do nên vệ sinh răng miệng và hỗ trợ con, hướng dẫn con cách chải răng, chải lưỡi mỗi ngày để hình thành thói quen này khi lớn hơn. 
  • Tự đi vệ sinh: khoảng 1,5 -2 tuổi, bố mẹ có thể hướng dẫn con cách tự đi vệ sinh với bô và dạy con ý thức về việc vệ sinh cá nhân sau khi đi vệ sinh, đặc biệt là rửa tay để bảo vệ sức khoẻ. Với hoạt động này, kiên trì và bình tĩnh là chìa khóa quan trọng để con có thói quen vệ sinh lành mạnh từ nhỏ. 
  • Tự vệ sinh sau khi ho, xì mũi, hắt hơi: thao tác đơn giản là dùng khăn giấy để lau mũi và miệng sau khi ho, xì mũi hay hắt hơi. Bố mẹ có thể hướng dẫn con cách lau, quan sát và hỗ trợ con, đồng thời hướng dẫn con vứt giấy đã dùng vào thùng rác. 
  • Tự ăn uống: từ 15 tháng, con đã cầm thìa và tự xúc ăn, con bắt đầu có những món thích và không thích. Thay vì ép con ăn nhiều món để đủ dinh dưỡng, bố mẹ nên đa dạng cách chế biến, đa dạng thực phẩm thay thế, đồng thời kiên nhẫn và khích lệ để con tự ăn. Bữa ăn có thể kéo dài đến 30 phút nhưng sự chủ động này sẽ đóng vai trò quan trọng đến thói quen ăn uống của con trong những năm tiếp theo.
  • Hướng dẫn con những việc vừa sức: bên cạnh các hoạt động trên, những công việc nhỏ như: tự xếp chăn gối của bản thân, cất đồ chơi sau khi chơi xong, tự bỏ quần áo vào máy giặt (với sự giúp đỡ của bố mẹ)… đều là những hoạt động con có thể tự làm để nâng cao sự độc lập và chủ động cho con. 

Hướng dẫn con những việc nhỏ vừa sức, để con tự làm và kiên nhẫn, cổ vũ là điều bố mẹ nên làm để giúp con trở nên tự lập

MERRYSTAR GIÚP CÁC CON TRỞ THÀNH NHỮNG EM BÉ TỰ LẬP NHƯ THẾ NÀO

Với triết lý giáo dục Thân – Tâm – Tuệ, MerryStar không chỉ chú trọng vào chăm sóc, giáo dục về thể chất, ngôn ngữ, nuôi dưỡng tâm yêu thương và khai phóng trí tuệ cho con, mà còn giúp con nuôi dưỡng tinh thần tự lập, năng lực tự chăm sóc bản thân và biết cách giải quyết vấn đề, tạo nên những em bé chủ động, tự tin, hạnh phúc trong tương lai. 

Ngay từ 15 tháng tuổi, các con được trao cơ hội để học tập và được hướng dẫn cách thực hành những kỹ năng tự lập song hành và đan xen cùng những năng lực nhận thức khác như quan sát, vận động tinh, kích thích ngôn ngữ, phát triển cảm xúc xã hội… Tất cả được thực hiện qua các trò chơi và các hoạt động một cách khoa học hàng ngày. 

Các con được hướng dẫn và hỗ trợ chu đáo của những giáo viên Mầm non đầy tâm huyết và dày dặn kinh nghiệm chuyên môn, được đào tạo theo tiêu chuẩn Quốc tế Cambridge. Chỉ sau khoảng 2 tháng tới lớp, các em bé MerryStar đã được tập thói quen tự xúc ăn, uống nước, chuẩn bị chăn gối ngủ, biết cách rửa tay, cất đồ chơi vào nơi quy định, bày tỏ cảm xúc, vứt rác đúng nơi, tự đi giày…và nhiều hoạt động khác.

Tại MerryStar, các con được hướng dẫn, cổ vũ và trao cơ hội để trở thành những em bé tự tin và tự lập.

MerryStar tin rằng, Nhà trường cùng với gia đình sẽ là những điểm tựa vững chãi nhất để con từng bước trở thành những em bé tự tin, chủ động, thông minh, góp phần kiến tạo thế hệ công dân toàn cầu năng động, sẵn sàng đón đầu mọi thử thách trong tương lai.

 

Nguồn tham khảo:

  1. Akhmetzyanova, A. (2014). The development of self-care skills of children with severe mental retardation in the context of Lekoteka. World Applied Sciences Journal, 29(6), 724-727.
  2. Australian Government. Early Years Learning Framework Practice Based Resources – Developmental Milestones 
  3. PGS.TS.Trương Thị Khánh Hà (2013) Giáo trình Tâm lý học phát triển. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
  4. BabyCentre UK, 2024, Developmental milestones: self-care 
  5. Nguyễn Thị Nhung (2016) Giáo dục tính tự lập cho trẻ mẫu giáo – vấn đề cấp thiết hiện nay. Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam. 

Bài Viết Cùng Chủ Đề

Contact Form cuối trang – vn