Bí Quyết Nuôi Dưỡng Sự Sáng Tạo & Trí Tưởng Tượng Của Trẻ Nhỏ

Einstein đã từng nói: “Imagination is more important than knowledge” – Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức. Mỗi đứa trẻ sinh ra đều đã có trí tưởng tượng và là những nhà sáng tạo bẩm sinh. Việc nuôi dưỡng, tạo điều kiện cho sự sáng tạo ấy sẽ có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ.

Sự sáng tạo là cánh cửa tiềm năng kết nối trẻ với thế giới. Trong quá trình thỏa sức tưởng tượng, trẻ thể hiện bản thân bằng hành động, lời nói, tương tác, phản ứng và thử nghiệm những vai trò phong phú khác nhau. Những cơ hội học tập tuyệt vời có thể đến ngay trong lúc trẻ nhào nặn khối bột theo cách riêng của mình, tô màu con bò với sắc hồng, trộn đất và nước để trở thành một “món ăn”, hoặc giả vờ đi trên lề đường một cách khéo léo như thể sợ rơi xuống “biển”…

Sự sáng tạo sẽ giúp trẻ phát triển về mặt nhận thức xã hội. Trong giáo dục mầm non, kỹ năng tư duy phản biện và khả năng giải quyết vấn đề sáng tạo là mục tiêu cho sự phát triển của trẻ. Việc được tự do sáng tạo, tưởng tượng sẽ giúp trẻ dám thử những cách làm mới và thử nghiệm sẽ giúp phát triển tư duy phản biện ở trẻ em và thúc đẩy khả năng giải quyết vấn đề tốt hơn.

Hơn nữa, sự sáng tạo giúp trẻ hiểu hơn về khả năng của bản thân, bồi đắp sự tự tin và phát triển tư duy bằng cách cho phép trẻ suy ngẫm về các quyết định khác nhau.

Trí tưởng tượng và óc sáng tạo cũng là kỹ năng đứng đầu trong 12 kỹ năng cần thiết để thành công của thế kỷ 21 – mà con em chúng ta sẽ cần khi tham gia vào lực lượng lao động trong tương lai. (Theo “21st century skills” – Andrew J.Rotherham & Daniel T.Willingham)

Theo Tiến sĩ Susan Engel, tác giả cuốn sách “Real Kids: Creating Meaning in Everyday Lives” cho biết: Trẻ từ 2,5 tuổi đã có thể phân biệt giữa tưởng tượng và thật, tức là con hoàn toàn nhận biết việc con bò không có màu hồng. Nhưng khi trẻ đang bật chế độ sáng tạo – tưởng tượng – chơi, thì những điều đó trở nên không còn quan trọng nữa.
Vì vậy, bố mẹ không cần quá lo lắng, mà hãy hết mình nuôi dưỡng và tạo điều kiện cho con được thỏa sức sáng tạo nhé!

8 cách đơn giản để Bố mẹ nuôi dưỡng tư duy sáng tạo cho con

1. Hướng đến thiên nhiên

Thế giới tự nhiên truyền cảm hứng cho trẻ suy nghĩ, đặt câu hỏi, đặt giả thuyết và phát triển óc sáng tạo vô cùng mạnh mẽ. Lợi ích của thiên nhiên đối với sự phát triển của trẻ là vô tận. Vì thiên nhiên luôn thay đổi nên mang đến vô số cơ hội cho con khám phá, sáng tạo để giải quyết vấn đề. Bố mẹ có thể cho con vẽ trên cát, tạo hình với cành cây, xây pháo đài bằng các hòn đá, hoặc đơn giản là nằm trên mặt đất và nhìn lên bầu trời xanh, tưởng tượng rằng mình đang bay lơ lửng giữa những cơn gió mát lành.

2. Thử trò chơi đóng vai & sáng tạo câu chuyện

Khi bạn bày trò đóng vai, bạn sẽ bất ngờ khi con có thể phát minh ra một kịch bản hấp dẫn với nhiều vai trò và tình tiết khác nhau. Với hoạt động này, trẻ sẽ biết cách sắp xếp suy nghĩ của mình, phân vai trò cho bản thân và mọi người xung quanh, đồng thời phát triển các kỹ năng xã hội và lời nói. Nếu con thích siêu nhân, hãy để con tự do dẫn dắt chúng ta phiêu lưu đến những vùng đất lạ, kể về những sức mạnh hay siêu năng lực con có thể nghĩ ra. Rất có thể con sẽ là người tạo ra một “siêu anh hùng” mới đấy!

3. Thử các trò chơi ngôn ngữ

Có rất nhiều trò chơi ngôn ngữ kích thích khả năng sáng tạo của trẻ như gieo vần, nối từ, đoán sự vật, con vật qua âm thanh… Các hoạt động tương tác bằng lời nói không chỉ phát triển sự sáng tạo, mà còn giúp con xây dựng vốn từ vựng và học ngữ âm. Bố mẹ có thể cùng con chơi những trò chơi này bất cứ lúc nào con thích.

4. Khuyến khích các hoạt động nghệ thuật

Nghệ thuật gắn liền với sự sáng tạo. Mọi hoạt động nghệ thuật như vẽ tranh, ca hát, chơi đàn, nhảy múa, biểu diễn đóng vai… đều khơi dậy tư duy sáng tạo,  phát triển thẩm mỹ, rèn luyện sự tập trung, sự tự tin, đồng thời phát triển các kỹ năng vận động tinh và sự phối hợp giữa tay và mắt cho trẻ.

5. Đọc sách

Hoạt động đọc sách và chia sẻ về sách là cách tuyệt vời để cung cấp cho con những chất liệu nhiệm màu cho sáng tạo. Bạn cũng có thể khuyến khích trẻ nghĩ ra một cái kết khác cho Nàng tiên cá, hoặc để con đóng vai làm nhân vật chính và kể lại câu chuyện theo cách của mình. Bạn cũng có thể đặt ra những tình huống để dẫn dắt sự sáng tạo của trẻ, ví dụ như “Sẽ ra sao nếu cô Tấm không đem cá Bống về nhà để nuôi?” hay “Sẽ thế nào nếu Bạch Tuyết không gặp được Bảy chú lùn nhỉ?”

6. Đặt những câu hỏi gợi mở và kích thích tư duy

Trẻ em mầm non luôn có sự hứng thú với các câu hỏi, đó là cách con khám phá thế giới. Hãy đặt những câu hỏi khơi gợi trí tưởng tượng và tư duy sáng tạo, để “mời” con bày tỏ ý tưởng của mình. Bố mẹ lưu ý, hãy luôn cho trẻ thấy rằng dù suy nghĩ, ý tưởng của con là gì, bố mẹ đều trân trọng và công nhận nó. “Con mèo và con chó khác nhau ở điểm nào?”, “Con sẽ làm gì nếu bất ngờ ông Bụt hiện ra?”…

Hoạt động lập trình coding robot tại MerryStar giúp trẻ phát triển tư duy sáng tạo vượt trội và nâng cao năng lực giải quyết vấn đề

7. Hạn chế thời gian sử dụng thiết bị điện tử

Nuôi dạy con cái trong thời đại kỹ thuật số cũng là một điều khó khăn. Thay vì để con tập trung vào các thiết bị điện tử như tivi, máy tính, smartphone, chơi game,… bố mẹ có thể hạn chế thời gian sử dụng màn hình bằng cách tạo ra những hoạt động thú vị khác, khuyến khích trẻ cùng tham gia với bố mẹ như nấu ăn, đi dạo ngoài trời, chơi thể thao, chăm sóc cây xanh,…

8. Dành thời gian tĩnh lặng

Bên cạnh những hoạt động khám phá đầy tính chủ động phía trên, chỉ cần vài phút nằm trên bãi cỏ và ngắm nhìn những đám mây đủ hình dáng trên bầu trời cũng cho phép trẻ có cơ hội tưởng tượng và sáng tạo. Hãy xem trọng những khoảng thời gian tĩnh lặng của con, vì đó là lúc con dùng Tâm và Tuệ để khám phá và cảm nhận cuộc sống. Ngay sau những khoảng thời gian đó, bố mẹ hãy khuyến khích con chia sẻ về những điều con thấy, suy nghĩ và cảm nhận được.

Tuổi mầm non là giai đoạn vàng để nuôi dưỡng sự sáng tạo và trí tưởng tượng của trẻ. Vì vậy, nếu hôm nay đi học về con nói: “hôm nay con đã vẽ một con bò màu hồng, nó dạo chơi trên đồng cỏ xanh và cho ra những cốc sữa màu hồng có vị dâu ngon tuyệt!” hoặc điều gì đó tương tự, bố mẹ hãy khuyến khích con chia sẻ thêm, và tận hưởng sự nhiệm màu của óc sáng tạo từ con nhé!

Bài Viết Cùng Chủ Đề

Contact Form cuối trang – vn