Sự kiện được tổ chức với sự phối hợp của Khoa Công nghệ giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội; Công ty Samsung Việt Nam; Công ty Viettel High Tech; Hội STEM quốc tế (ISA); Công ty MaxHub Nexta; Công ty CP Giáo dục KidsEdu.

Những thiết bị công nghệ hỗ trợ giáo dục mầm non hiện đại nhất được trưng bày và thực hành tại sự kiện nhằm tạo nên một không gian nhiều hứng thú, hấp dẫn với giáo viên, phụ huynh và đặc biệt các học sinh lứa tuổi mầm non.

“Trường Mầm non song ngữ Merry Star rất vui mừng vì ý tưởng ban đầu của chúng tôi chỉ là tổ chức một hoạt động trải nghiệm công nghệ nhỏ, ở quy mô trường, cho các phụ huynh và các con học sinh. Nhưng khi trao đổi ý tưởng này với đối tác giáo dục của nhà trường, chúng tôi rất bất ngờ khi được các đối tác ủng hộ nhiệt liệt, khẳng định tính hợp thời điểm của ý tưởng này và đều chủ động đề xuất tham gia với trường, để có được một “Ngày hội trải nghiệm công nghệ” đa dạng, thú vị và đầy hứng thú hôm nay”, bà Nguyễn Thị Hà- Chủ tịch Hội đồng khoa học Hệ thống Giáo dục mầm non song ngữ Merry Star chia sẻ.

Với định hướng chuyển đổi số toàn diện của ngành Giáo dục, gần đây Bộ Giáo dục-Đào tạo đã công bố chuẩn kỹ năng số cho trẻ độ tuổi mầm non tạo khung hành lang pháp lí cho việc thúc đẩy chuyển đổi số trong đào tạo ở bậc học này.

Tuy nhiên, nhìn từ thực tế, bà Hà cho rằng hiện tại vẫn còn những hiểu sai hoặc chưa đúng về công nghệ giáo dục nói chung, công nghệ giáo dục bậc mầm non nói riêng. Ví dụ như mặc nhiên khẳng định công nghệ giáo dục chỉ dừng ở việc sử dụng điện thoại thông minh, máy tính hay màn hình chiếu. Ngược lại, nhiều phụ huynh khá cực đoan khi cho rằng điều này làm chậm quá trình phát triển của trẻ như khả năng ngôn ngữ, khả năng tương tác xã hội hay ảnh hưởng xấu đến thị lực của trẻ.

Từ kinh nghiệm gần 20 năm công tác tại hệ những hệ thống giáo dục lớn ở Việt Nam, trực tiếp đào tạo hơn 3000 giáo viên mầm non trên toàn quốc, bà Hà khẳng định giáo dục mầm non trong khoảng 10 năm tới sẽ phát triển và cập nhật xu hướng thế giới. Công nghệ tác động tới mọi mặt của đời sống và trở thành xu thế không thể đảo ngược, kể cả từ bậc học mầm non. Trong một xã hội biến đổi không ngừng và liên tục theo bà Hà đồng nghĩa giáo dục không thể dùng tư duy cũ.

Chuẩn bị cho con em nền tảng công nghệ cho tương lai cần bắt đầu từ sớm. Xuất phát từ đặc điểm tâm sinh lí lứa tuổi mầm non, việc học tập, rèn luyện kĩ năng, ngôn ngữ hay nhận thức thế giới hầu hết đều thông qua hoạt động vui chơi. Việc đem công nghệ vào quá trình dạy học ở bậc học này bà Hà cho rằng thực ra rất đơn giản, bao gồm những trò chơi được nhà trường tổ chức có mục tiêu. Cô giáo giữ vai trò như bạn đồng hành trong hoạt động tổ chức chơi cho trẻ.

“Tư duy khoa học máy tính” ở bậc học này có vai trò chuẩn bị cho thế hệ tương lai thích ứng với thế giới công nghệ phải hài hòa, cân bằng hợp lí, tạo ra không gian an toàn cho sự phát triển của trẻ. Khái niệm này từng gây nghi ngờ cho nhiều người bởi quan niệm bậc học mầm non tập trung chủ yếu vào việc chăm sóc, dạy học chỉ giữ vai trò thứ yếu.

Tuy nhiên “khung năng lực số” cho bậc học này của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cụ thể hóa các yêu cầu cho các nhà trường, giáo viên cũng như mục tiêu cần đạt với học sinh mầm non tạo điều kiện thúc đẩy hơn nữa chuyển đổi số trong giáo dục ở bậc học này.

Trường mầm non song ngữ Merry Star có những thuận lợi nhất định để trở thành một trong những trường tiên phong ứng dụng một cách chủ động, tích hợp triệt để trong các trải nghiệm học tập, xây dựng môi trường trường học thông minh cho trẻ ngay trong mỗi giờ học.

Trong hai giờ đồng hồ, dưới sự dẫn dắt của các giáo viên nhà trường, các đại diện đối tác công nghệ, những em bé từ lớp nhà trẻ đến tiền tiểu học thông qua thiết bị điều khiển robot vận hành những hoạt động đơn giản như tiến lùi, di chuyển đến mục tiêu… Những cô cậu học sinh bé xíu với ánh mắt lấp lánh niềm vui, những tiếng vỗ tay phấn khích hay tiếng cười bật lên khiến cả không gian trải nghiệm công nghệ rộn ràng, náo nức.

Anh Đinh Quang Bằng, phụ huynh học sinh lớp Hạt Dẻ xin nghỉ làm cả buổi chiều với mục đích được cùng con trai trải nghiệm công nghệ trọn vẹn.

“Cháu nhà mình rất thích học ở đây bởi sự đa dạng các trải nghiệm. Trong đó hoạt động STEM dạy học tích hợp hướng vào 4 lĩnh vực chính gồm khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán học cháu rất thích, rất hào hứng. Tôi đặc biệt quan tâm và đầu tư cho bậc học mầm non bởi những tài liệu đã đọc được cho thấy giai đoạn từ sơ sinh đến 6 tuổi được coi như quan trọng nhất quyết định sự phát triển tối đa nhận thức của trẻ con”, anh Bằng chia sẻ.

Chị Hoàng Phương Thảo, phụ huynh có con theo học ở trường cũng đến từ sớm, dắt tay con gái nhỏ tham gia trải nghiệm hầu khắp các công nghệ được giới thiệu tại ngày hội trải nghiệm lần này. Người mẹ trẻ chia sẻ bản thân đã từng rất tò mò khi biết con sẽ được nhà trường áp dụng công nghệ trong quá trình giáo dục. Đến với ngày hội hôm nay, chị Thảo vỡ lẽ ra nhiều điều cũng như điều chỉnh quan điểm công nghệ chỉ gồm điện thoại thông minh, máy tính hay màn hình tivi.

Bé Hà Khuê và nhiều bạn cùng học ở lớp Hạt Dẻ bị hút vào các hoạt động điều khiển robot di chuyển hay lựa chọn tính năng trên những nút bấm.

Chỉ sau một khoảng thời gian ngắn ngồi xuống cùng con thử trải nghiệm các công nghệ, những ông bố, bà mẹ như anh Bằng, chị Thảo đã bị thu hút để rồi rất nhanh hòa vào không khí của các hoạt động trải nghiệm công nghệ trong tiếng cười, trong những cuộc chuyện trò không dứt.

“Mặc dù đây chỉ là sự kiện quy mô nhỏ, cấp trường nhưng chúng tôi rất vui khi các hãng công nghệ lớn đều ủng hộ. Và đây là lần đầu tiên ngày trải nghiệm công nghệ được tổ chức cho bậc học mầm non. Từ đây cho phép việc ứng dụng công nghệ trong dạy học ở mầm non có khả năng triển khai nhiều hơn nữa, có tính khả thi hơn nữa”, bà Đậu Thúy Hà, đại diện Hiệp hội mầm non ngoài công lập Việt Nam phân tích.

Mời các bạn xem một số hình ảnh từ ngày hội