Thế giới xung quanh trẻ nhỏ với bao điều mới lạ diễn ra hằng ngày thường khiến con bối rối, lúng túng không biết xử trí thế nào trước nhiều tình huống. Cha mẹ thường sẽ thay con chọn giải pháp, hoặc sẽ phàn nàn, trách mắng con, nhưng lại bỏ qua việc rèn luyện cho con bản lĩnh và năng lực giải quyết vấn đề ngay từ nhỏ.
Có nhiều cách thức để xây dựng khả năng giải quyết vấn đề cho trẻ Mầm non, trong đó TƯ DUY MÁY TÍNH là phương pháp đặc biệt hữu ích giúp trẻ xây dựng năng lực giải quyết vấn đề và ứng dụng vào mọi lĩnh vực trong cuộc sống để trở thành một công dân toàn cầu hạnh phúc và thành công trong tương lai.
1. Tư duy máy tính là gì?
Tư duy máy tính (Computational Thinking) là phương pháp tư duy giải quyết vấn đề dựa trên Tư duy phân tích (Critical Thinking) và Tư duy logic (Logical Thinking) mà các nhà khoa học máy tính hay dùng. Tư duy máy tính gồm 4 bước cơ bản: Phân tách vấn đề (Decomposition), Nhận dạng quy luật (Pattern Recognition), Khái quát hóa (Abstraction) và Viết thuật toán (Algorithm).
Khái niệm tư duy máy tính có thể chưa thật sự phổ biến với các bậc cha mẹ có con ở độ tuổi Mầm non, nhưng thực chất đó là phương pháp biến một vấn đề có vẻ khó khăn trở nên đơn giản và dễ giải quyết hơn. Phương pháp này rất hữu ích trong việc dạy trẻ các kỹ năng sống, cũng như giúp các con rèn luyện khả năng quan sát và học hỏi.
2. Tư duy máy tính được ứng dụng tại các nền giáo dục trên thế giới như thế nào?
Giáo sư Khoa học máy tính Jeannette M.Wing tại Đại học Columbia (Hoa Kỳ) đã nhấn mạnh rằng, Tư duy máy tính là một kỹ năng phổ biến mà bất cứ ai, không riêng gì các nhà Khoa học máy tính, sẽ rất háo hức để học và sử dụng trên quy mô toàn cầu. Theo Giáo sư Jeannette M. Wing: “Ngoài đọc, viết và tính toán, chúng ta cần thêm tư duy máy tính vào khả năng phân tích của mỗi đứa trẻ.”
Các quốc gia có nền giáo dục phát triển cũng đều nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đưa Khoa học máy tính, tư duy máy tính vào giảng dạy tại trường học cho trẻ em. Điều đó không chỉ mang đến lợi ích phát triển thế hệ trẻ, mà còn là sự phát triển bền vững của quốc gia nhằm duy trì một thế hệ tiếp nối trong kỷ nguyên công nghệ bùng nổ.
Vì vậy, trong mục tiêu và nội dung giáo dục của các chương trình giáo dục mầm non trên thế giới như: Các chương trình giáo dục mầm non của NewZealand (Te Whariki); Singapore (NEL); Canada (Alberta Curriculum); Hoa Kỳ (New York City); Tổ chức giáo dục IEYC; Tổ chức giáo dục IPC – International Preschool Curriculum (IPC); tiêu chuẩn phát triển trẻ của Hiệp hội Quốc gia về Giáo dục Mầm non Hoa Kỳ (NAEYC) đều có chuẩn đầu ra về công nghệ cho trẻ Mầm non, trong đó nhấn mạnh yêu cầu trẻ có cơ hội được tìm hiểu, nhận thức và hiểu biết thế giới công nghệ, khoa học máy tính và trí tuệ kĩ thuật số.
Còn tại Việt Nam, năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào đã tạo ban hành “Khung năng lực số của trẻ Mầm non” và chỉ ra rằng: “Đối với giáo dục Mầm non, việc tích hợp năng lực kĩ thuật số không chỉ giúp trẻ em phát triển về năng lực và phẩm chất mang tính nền tảng, những kĩ năng sống cần thiết, phù hợp với lứa tuổi trong bối cảnh xã hội số hiện đại, mà còn khơi dậy những khả năng tiềm tàng, sẵn sàng tiếp cận và thích ứng trong môi trường số, trong việc học ở các cấp học tiếp theo và cho việc học tập suốt đời”.
MerryStar tự hào là trường Mầm non tiên phong tập trung xây dựng năng lực số cho trẻ, trong đó tập trung vào năng lực giải quyết vấn đề thông qua tư duy khoa học máy tính ngay từ bậc học Mầm non, tạo cơ hội cho trẻ tiếp cận sớm với các môn khoa học công nghệ và lập trình phù hợp với độ tuổi.
3. Cách giúp trẻ nâng cao năng lực giải quyết vấn đề bằng tư duy máy tính
Những tình huống tưởng chừng đơn giản với người lớn như làm thế nào để tự đánh răng, mang giày, chuẩn bị một món ăn nhẹ yêu thích,…. sẽ là thử thách lớn với trẻ nhỏ nếu các con không được rèn kỹ năng giải quyết vấn đề ngay từ nhỏ. Mặt khác, trẻ cũng sẽ không thể phát huy khả năng tự lập và chủ động trong mọi hoàn cảnh nếu cha mẹ luôn thay trẻ tìm giải pháp và quyết định mọi việc của con.
Để giúp trẻ ứng dụng phương pháp Tư duy máy tính trong cuộc sống hằng ngày, cha mẹ hãy tham khảo các bước cụ thể sau đây:
3.1 Phân tách vấn đề
Việc tách nhỏ vấn đề sẽ giúp chúng ta bắt đầu công việc dễ dàng. Thay vì chỉ giao cho trẻ nhiệm vụ dọn dẹp căn phòng bừa bộn khiến trẻ khó tiếp thu, hãy chỉ ra những điều nhỏ nhất mà trẻ có thể làm để khiến căn phòng gọn gàng hơn, ví dụ như: gấp quần áo, dọn bàn học, cất đồ chơi vào tủ, và quét lau căn phòng.
Đây là một kỹ năng sống hữu ích đối với trẻ. Khi trẻ lớn lên và đứng trước nhiều tình huống phức tạp hơn, con sẽ học cách chia chúng thành các mục tiêu nhỏ trong danh sách việc cần làm và giải quyết một cách tuần tự. Điều này cũng góp phần duy trì trạng thái cảm xúc tích cực, giảm căng thẳng, lo âu khi chúng ta buộc phải xử lý cùng lúc nhiều công việc phức tạp.
3.2 Nhận dạng quy luật
Kỹ năng này giúp trẻ quan sát và nhận diện các quy luật trong cuộc sống để áp dụng vào công việc hằng ngày.
Ví dụ:
• Khi vào bếp và làm những món bánh trẻ yêu thích, hãy cho con thấy bánh quy hay bánh ngọt khác nhau ở tên gọi và cách làm nhưng đều có những nguyên liệu cơ bản như bột mì, trứng, bơ, sữa, và đường,…
• Tất cả các loại bánh sandwich đều tuân theo một quy tắc tương đối giống nhau, nên việc làm bánh sandwich thịt nguội hay sandwich phô mai cũng sẽ tuân theo các quy tắc chung về làm bánh sandwich, đó là cần 2 lát bánh mì và cho nhân vào giữa.
3.3 Khái quát hóa vấn đề
Kỹ năng này giúp con học cách nhìn nhận mọi việc một cách tổng quát và bỏ qua những chi tiết phức tạp không cần thiết, chỉ giữ lại những yếu tố chung nhất, quan trọng nhất và có liên quan trực tiếp đến vấn đề hiện tại, giúp mọi thứ trở nên dễ hiểu hơn mà không mất đi các thông tin quan trọng. Hãy giúp trẻ học cách khái quát hóa mọi thứ xung quanh, đơn giản như quả táo là trái cây, ô tô là phương tiện, con mèo là động vật, và lớn hơn là phân loại được đức tính tốt và đức tính xấu.
3.4 Viết thuật toán
Thuật toán chính là bước cuối cùng của Tư duy máy tính, tổng hợp lại từng bước chi tiết để bất cứ ai cũng có thể làm theo và hoàn thành được. Kỹ năng này tổng hợp lại các bước thực hiện để trẻ dễ vận dụng và ghi nhớ. Dù không nhận ra nhưng bất cứ ai trong chúng ta cũng đang sử dụng Tư duy máy tính để ghi nhớ những trình tự trong sinh hoạt hằng ngày. Khi nấu cơm, chúng ta có thể dạy trẻ cách làm theo các bước đong gạo, vo gạo, đong nước, đặt vào nồi, bấm nút. Tất cả đều yêu cầu quá trình quan sát, học hỏi, tổng hợp kinh nghiệm để giải quyết theo trình tự rõ ràng nhất định mà ai cũng có thể làm theo.
Trẻ tại Mầm non Song ngữ MerryStar hào hứng khám phá quy trình chinh phục các “thử thách” thú vị trong hoạt động lập trình coding robot.
Như vậy, tư duy máy tính thoạt nghe có thể là một khái niệm mang tính học thuật, nhưng lại chính là phương pháp trang bị cho trẻ năng lực giải quyết vấn đề để áp dụng vào mọi tình huống trong cuộc sống hằng ngày. Trẻ em tại Mầm non Song ngữ MerryStar luôn được chú trọng rèn luyện tư duy máy tính để ứng dụng vào cả trong quá trình học tập, khám phá và trải nghiệm hằng ngày của con. MerryStar Kindergarten tin rằng phương pháp này sẽ giúp các bậc cha mẹ thông thái có thêm một bí quyết để đồng hành cùng con xây dựng những kỹ năng sống hữu ích ngay từ nhỏ, là nền tảng để con trở thành thế hệ công dân toàn cầu hạnh phúc và thành công trong tương lai.